Giữa những thăng trầm của lịch sử dân tộc, có một người phụ nữ đã khắc tên mình vào dòng chảy ngoại giao Việt Nam với bản lĩnh phi thường, trí tuệ sắc bén và một trái tim yêu nước nồng nàn. Bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris không chỉ là một nhà đàm phán kiệt xuất mà còn là biểu tượng của phẩm giá, lòng kiên định và khát vọng hòa bình của cả một dân tộc.
Truyền thống gia đình và gắn bó với cách mạng từ thuở đầu
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927 tại làng La Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông nội của bà từng tham gia nghĩa quân trong phong trào Cần Vương và anh dũng hy sinh tại quê hương, trong khi ông ngoại chính là nhà chí sĩ nổi tiếng Phan Châu Trinh.
Nhiều người nhận xét rằng bà Nguyễn Thị Bình mang đậm những phẩm chất tiêu biểu của người dân xứ Quảng – vùng đất nổi tiếng với tinh thần cương trực, khí phách và bản lĩnh không dễ khuất phục. Người Quảng vốn thẳng thắn, bộc trực, có tinh thần phản biện mạnh mẽ, đôi khi bị xem là “hay cãi” nhưng thực chất là luôn bảo vệ lẽ phải đến cùng.
Họ giàu tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng gánh vác việc chung, dấn thân vì cộng đồng và đất nước. Ở họ cũng có sự nghĩa tình sâu đậm, sống chân thành, cởi mở và luôn nhạy bén, sẵn sàng đón nhận cái mới với tinh thần cầu tiến.
Ngay từ thuở nhỏ, bà đã tiếp cận nền giáo dục hiện đại khi theo học tại trường Lycée Sisowath ở thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia và tốt nghiệp bậc tú tài tại đây. Năm 1945, ngay sau khi thi xong Tú tài phần I, bà Nguyễn Thị Bình đã dấn thân vào con đường cách mạng, tích cực tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên và phụ nữ; đồng thời vận động các tầng lớp trí thức tại Sài Gòn – Chợ Lớn cùng đứng lên vì độc lập dân tộc.
Năm 1948, sau khi được kết nạp vào Đảng, bà đảm nhiệm thêm vai trò vận động phụ nữ trí thức, tổ chức và dẫn dắt các hoạt động hợp pháp trong lòng địch, thành lập Hội Phụ nữ cấp tiến.
Bà tham gia chỉ đạo hàng loạt phong trào đấu tranh nổi bật như: phản đối giải tỏa xóm lao động Bàn Cờ, biểu tình để tang học sinh Trần Văn Ơn (9/1/1950), và chống tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn. Với vai trò dẫn đầu các cuộc biểu tình, bà được nhân dân và đồng chí gọi bằng cái tên thân thương – “chuyên gia biểu tình”.
Tháng 4/1951, bà bị địch bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn, rồi chuyển về Khám Chí Hòa, chịu cảnh giam cầm gần 3 năm vì bị quy kết là “cầm đầu gây rối, phản nghịch chống chính quyền”. Sau khi ra tù, bà không ngừng hoạt động, tiếp tục tham gia phong trào đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, sát cánh cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ và nhiều trí thức yêu nước. Sau đó, bà tập kết ra miền Bắc và công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Một nhà ngoại giao xuất sắc
Năm 1962, trong bối cảnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) vừa ra đời, bà Nguyễn Thị Bình với khả năng ngoại ngữ xuất sắc, bề dày hoạt động chính trị và kinh nghiệm vận động quần chúng đã được tin tưởng giao trọng trách Ủy viên của Mặt trận, phụ trách công tác đối ngoại.
Trên cương vị này, bà đại diện Mặt trận tham dự hàng loạt hội nghị quốc tế, thăm viếng các nước xã hội chủ nghĩa và tiến bộ trên thế giới, góp phần to lớn trong việc nâng cao uy tín và vị thế của MTDTGPMNVN trên trường quốc tế. Đến cuối năm 1967, Mặt trận đã thiết lập cơ quan đại diện tại hơn 20 quốc gia như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Pháp, Đức, Mông Cổ… Trong đó, Cuba là quốc gia đầu tiên chính thức đặt Đại sứ quán cạnh trụ sở của Mặt trận vào ngày 30/6/1967.
Cuối năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình tiếp tục được giao trọng trách Trưởng đoàn trù bị và Phó Trưởng đoàn của MTDTGPMNVN tại Hội nghị Paris, hội nghị đàm phán hòa bình với Hoa Kỳ. Vừa đặt chân đến Paris ngày 4/11/1968, bà đã lập tức phát biểu về “Giải pháp 5 điểm” – một bản tuyên bố đanh thép thể hiện lập trường kiên định của nhân dân miền Nam Việt Nam:
- Kiên trì độc lập, dân chủ, hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước;
- Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam;
- Nhân dân miền Nam tự quyết định vận mệnh của mình;
- Việc thống nhất đất nước do nhân dân cả nước thực hiện;
- Miền Nam theo đuổi đường lối ngoại giao hòa bình, trung lập.
Tuyên bố đầy khí phách ấy lập tức làm chấn động dư luận quốc tế. Trong hồi ký, bà kể lại khoảnh khắc thiêng liêng ấy:
“Ngay phút đó, tôi càng thấy rõ trọng trách của mình hơn. Bạn bè Pháp, bà con Việt kiều hô vang ‘Việt Nam nhất định thắng!’, còn tôi thì nghẹn ngào khi nhìn lá cờ Mặt trận phấp phới giữa lòng Paris hoa lệ…”
Sự xúc động của bà càng sâu sắc hơn khi nhớ lại nơi đây chính là mẫu quốc Pháp của những kẻ thực dân đã từng bắt bà vào năm 1951 tra tấn bà dã man ở Sài Gòn bà vì tham gia đấu tranh học sinh sinh viên. Giờ đây, bà trở lại với tư thế đại diện chính nghĩa, được đón tiếp bằng nghi lễ ngoại giao, ngồi vào bàn đàm phán với cường quốc số một thế giới – Hoa Kỳ.
Hôm sau, tất cả các mặt báo lớn tại Pháp đồng loạt đăng tải dòng tiêu đề nổi bật:
“Đại diện Việt Cộng đã đến Paris!” kèm những lời ca ngợi không tiếc lời: “Bà Bình như một bà hoàng, được đón như nguyên thủ quốc gia”; “Cờ Mặt trận tung bay giữa Paris – thật hiếm có!”; “Một chiến thắng ngoại giao đầy ấn tượng của Việt Nam!”.
Bóng hồng Việt Nam và “cuộc khiêu vũ giữa bầy sói”
Nếu như Hiệp định Paris là một bản hùng ca trên mặt trận ngoại giao, thì bà Nguyễn Thị Bình chính là một trong những “người viết sử” đặc biệt của chương sử ấy – một người phụ nữ nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng bản lĩnh và trí tuệ vượt trội, luôn giữ vững phong thái đĩnh đạc trong từng cuộc đối thoại quốc tế.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên từng nhấn mạnh: “Nhắc đến Hiệp định Paris, người ta thường nghĩ ngay đến những tên tuổi lớn như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch… nhưng không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình – Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.”
Ở bà hội tụ khí chất của một nhà ngoại giao tài năng: xinh đẹp, điềm tĩnh, sắc sảo và đầy bản lĩnh. Chính nhờ vậy, bà không chỉ chinh phục được trái tim của nhân dân Việt Nam mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế, trong một bối cảnh ngoại giao vô cùng khắc nghiệt.
Trong suốt thời gian dài diễn ra đàm phán, bà Bình không chỉ hiện diện tại Paris mà còn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế tại nhiều quốc gia như Anh, Thụy Điển, Italy, Ấn Độ, Cu Ba, Liên Xô, Trung Quốc… Ở đâu bà cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ, với sự tinh tế trong cách tiếp cận, khéo léo trong từng lập luận, luôn nhất quán với thông điệp hòa bình và chính nghĩa.
Một trong những khoảnh khắc ngoại giao để đời của bà Nguyễn Thị Bình là buổi họp báo trực tiếp trên truyền hình giữa Paris và Washington vào năm 1971.
Gần hai mươi nhà báo nhưng phần lớn nghiêng về phía Mỹ đã đặt bà vào vị trí “trung tâm tấn công” với những câu hỏi chất vấn gắt gao nhằm thử thách năng lực thực sự của bà. Khi ấy, dù chỉ có một mình, bà Bình đã bình tĩnh, thuyết phục và phản biện lưu loát bằng tiếng Pháp, thể hiện đầy đủ bản lĩnh, sự độc lập và trí tuệ ngoại giao của mình. Người ta khi đó đã gọi bà là “người phụ nữ khiêu vũ giữa bầy sói”.
Chính bà cũng thừa nhận: “Lúc đầu tôi rất lo lắng. Một mình giữa rất nhiều nhà báo không quen biết, dưới ánh đèn chói chang, lại phải nói tiếng Pháp. Nhưng đây là cơ hội để nói lên tiếng nói của nhân dân Việt Nam, tôi không thể lùi bước.” Gần hai tiếng đồng hồ, bà đã kiên định trình bày rõ lập trường của Việt Nam, vạch trần các hành vi phi nghĩa của Mỹ, đồng thời khẳng định khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất của dân tộc.
Sau buổi họp báo, đồng chí Xuân Thủy gọi điện khen ngợi: “Cô rất dũng cảm”. Còn nhiều bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nữ trí thức Pháp, đã gọi điện chúc mừng và bày tỏ sự khâm phục.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, “Ngoại giao không phải là một bữa tiệc nhẹ nhàng. Đó là chiến trường nơi từng câu nói, từng lựa chọn từ ngữ đều có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của biết bao người ngoài mặt trận.” Và trong chiến trường đó, bà Bình đã chiến đấu bằng trí tuệ và niềm tin sắt đá vào chính nghĩa dân tộc. Sự điềm đạm nhưng cứng cỏi, linh hoạt nhưng kiên trì của bà đã khiến những người từng nghi ngờ phải thán phục.
Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết. Đó là một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc – và cũng là một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời của bà Nguyễn Thị Bình. “Tôi như thay mặt cho nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam cắm lên ngọn cờ chiến thắng. Vinh dự đó với tôi quá đỗi lớn lao,” bà xúc động viết trong hồi ký. “Tôi không có đủ lời để nói hết lòng biết ơn với đồng bào, chiến sĩ từ Nam chí Bắc đã đổ biết bao máu xương để làm nên ngày lịch sử này.”
Ít ai biết rằng, khi mới được giao nhiệm vụ đại diện ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1961, dự kiến thời gian công tác của bà chỉ kéo dài khoảng 6 tháng. Nhưng từ vai trò “lâm thời,” bà đã trở thành một nhân tố chiến lược trong mặt trận ngoại giao suốt hơn một thập kỷ cam go, góp phần quyết định vào thành công của các cuộc đàm phán lịch sử.
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Nguyễn Thị Bình là minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, trí tuệ ngoại giao và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc giành độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Từ Paris đến các diễn đàn quốc tế, bà đã không chỉ nói lên tiếng nói chính nghĩa của dân tộc mà còn góp phần làm thay đổi cách nhìn của thế giới về Việt Nam – một đất nước nhỏ bé nhưng bất khuất, yêu chuộng hòa bình và công lý. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh người phụ nữ “khiêu vũ giữa bầy sói” vẫn là biểu tượng đầy cảm hứng về một nhà ngoại giao xuất chúng, một chiến sĩ cách mạng kiên trung và một con người tận tụy vì dân, vì nước.
Đừng quên theo dõi Nét Việt Nam để cùng khám phá thêm những câu chuyện truyền cảm hứng từ những con người vĩ đại đã góp phần làm nên dáng hình đất nước hôm nay bạn nhé!