Tháng 3 âm lịch không chỉ là khoảng thời gian đẹp của mùa xuân mà còn là tháng của những ngày lễ đặc biệt, nơi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn, tri ân những công lao của tổ tiên và những bậc tiền nhân đã có công với đất nước, tất cả đều mang thông điệp “uống nước nhớ nguồn”, gìn giữ truyền thống văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc.

Tết Hàn thực – lời nhắc về tưởng nhớ công ơn tổ tiên
Tết Hàn Thực, tức “Tết của món ăn lạnh” (寒食), có nguồn gốc từ Trung Hoa, gắn với truyền thuyết về Giới Tử Thôi – vị trung thần tận tụy của nước Tấn. Sau khi ông mất vì bị vua Tấn Văn Công vô tình thiêu chết trong rừng, nhà vua ân hận và ban lệnh cấm đốt lửa trong ba ngày mỗi năm, người dân chỉ được dùng thức ăn nguội để tưởng niệm.
Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn Thực đã mang một ý nghĩa khác biệt. Thay vì kiêng lửa, người Việt xem đây là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn qua những mâm cỗ, đặc biệt là bánh trôi – bánh chay. Tết Hàn Thực vì thế trở thành một phần trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” phản ánh sâu sắc nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc.
Bánh trôi là loại bánh truyền thống được làm từ bột gạo nếp dẻo thơm, viên nhỏ, bên trong là nhân đường phên đỏ ngọt ngào. Khi luộc chín, bánh nổi lên mặt nước như một tín hiệu hoàn thành, sau đó được vớt ra và rắc thêm mè rang lên trên. Hình dáng tròn đầy của bánh tượng trưng cho sự viên mãn, tinh khiết và đủ đầy trong cuộc sống.
Tương tự, bánh chay cũng làm từ bột gạo nếp nhưng có nhân đậu xanh nghiền mịn. Bánh được nặn theo hình tròn dẹt, sau khi luộc xong được bày vào bát, chan thêm nước đường nấu với gừng thơm nồng. Cặp đôi bánh trôi – bánh chay không chỉ là món ngon dân dã mà còn chất chứa chiều sâu văn hóa.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam là dịp đặc biệt để con cháu bày tỏ lòng thành với tổ tiên và dâng lễ lên Phật. Đây là ngày nhắc nhớ về cội nguồn, là nhịp cầu gắn kết quá khứ với hiện tại, giúp mỗi người thêm trân trọng bản sắc dân tộc. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng giản dị với bánh trôi, bánh chay để thắp hương tổ tiên, Phật và thần linh, cầu mong một năm an lành, yên ấm. Việc làm bánh cũng là cơ hội để các thế hệ quây quần bên nhau, cùng chia sẻ công việc và vun đắp tình cảm gia đình.
Bánh trôi, bánh chay còn gợi nhớ đến truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng – nguồn gốc thiêng liêng của dân tộc Việt. Bánh trôi tròn nhỏ tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên rừng, còn bánh chay to hơn, dẹt hơn đại diện cho 50 người con theo cha xuống biển. Hai loại bánh như hai nửa của một dân tộc, luôn hướng về nhau và cùng gìn giữ cội nguồn.
Những chiếc bánh nhỏ bé nhưng chứa đựng cả một dòng chảy văn hóa, là lời nhắc nhở về công lao tổ tiên và niềm tự hào dân tộc mà người Việt gìn giữ suốt bao đời.

Tết Thanh Minh – hướng về nguồn cội
Trong văn hóa Việt Nam, Tiết Thanh Minh không chỉ là một trong 24 tiết khí của trời đất, mà còn là dịp thiêng liêng để con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên. Dù không phải là một cái Tết lớn, nhưng Thanh Minh lại gắn liền với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trở thành một ngày giỗ tổ chung in sâu trong tiềm thức bao thế hệ người Việt.
Diễn ra vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch (từ 4/4 đến 21/4), Thanh Minh là thời điểm tiết trời trong sáng, không gian thanh khiết – rất phù hợp để con cháu trở về quê hương, tảo mộ, sửa sang phần mộ tổ tiên và dâng nén hương tưởng niệm. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, kể lại những ký ức về người đã khuất, cùng nhau nhìn lại cội nguồn và giữ gìn truyền thống tốt đẹp.
Theo phong tục xưa, người Việt thường cắt cỏ, đắp đất lên mộ, kiểm tra mộ phần có bị sụt lở hay tổn hại không – một hành động không chỉ thể hiện sự chăm lo mà còn hàm chứa ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Sau lễ tảo mộ, con cháu làm mâm cơm cúng mời tổ tiên về dùng bữa, thể hiện lòng thành và sự hiếu kính.
Tiết Thanh Minh cũng gợi nhắc đến truyền thống “Đạp Thanh” – dạo chơi trong tiết trời xuân tươi đẹp, nơi cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện cùng tâm hồn người tưởng nhớ. Như câu thơ của Nguyễn Du đã viết:
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
Tiết Thanh Minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là biểu tượng sâu sắc của lòng hiếu đạo và tinh thần tri ân trong văn hóa Việt. Từ ngàn đời nay, đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành cốt lõi trong nếp sống và lối nghĩ của người Việt. Thông qua các nghi lễ tảo mộ, cúng lễ và sum họp gia đình, Tiết Thanh Minh góp phần gìn giữ sợi dây gắn kết giữa các thế hệ – để dù ở đâu, con cháu vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ nề nếp, phong tục của dòng tộc.
Đây cũng là dịp giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống gia đình, giúp nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự kính trọng và ý thức gìn giữ di sản văn hóa tinh thần. Chính nhờ những dịp lễ như Thanh Minh, văn hóa Việt Nam được tiếp nối bền vững trong từng mái nhà, từng dòng họ và lan tỏa qua bao thế hệ.

Giỗ Tổ Hùng Vương – truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc
Giỗ Tổ Hùng Vương – ngày lễ trọng đại diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là dịp để hàng triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thành kính tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng – những người đã đặt nền móng cho dân tộc Việt. Không chỉ là một nghi lễ truyền thống, ngày Giỗ Tổ còn là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần đại đoàn kết, lòng yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ tồn tại ở Phú Thọ – nơi có Đền Hùng linh thiêng, mà còn lan tỏa khắp các vùng miền trên cả nước và ra cả nước ngoài. Dù là người Kinh hay dân tộc thiểu số, dù ở miền xuôi hay miền ngược, tất cả đều coi Vua Hùng là cội nguồn chung. Đây chính là điểm hội tụ của ý thức cộng đồng và tinh thần dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Vào dịp 10/3 âm lịch, hàng ngàn đoàn người hành hương về Đền Hùng, thành kính dâng hương, rước kiệu, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Không khí trang nghiêm, linh thiêng ấy không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về công lao của cha ông. Tại các địa phương khác, người dân cũng long trọng tổ chức lễ dâng hương, tạo nên một làn sóng tri ân lan tỏa khắp mọi miền đất nước và cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, Giỗ Tổ Hùng Vương càng khẳng định ý nghĩa sâu sắc khi trở thành chiếc cầu nối giúp kiều bào hướng về nguồn cội, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt giữa cộng đồng quốc tế. Các lễ Giỗ Tổ tổ chức tại nước ngoài cũng là cơ hội để thế hệ trẻ sinh ra xa quê hương hiểu hơn về lịch sử dân tộc, nuôi dưỡng niềm tự hào và ý thức giữ gìn truyền thống.
Không chỉ là lễ nghi, Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để các câu chuyện dân gian như truyền thuyết bọc trăm trứng, bánh chưng bánh dày, hay công cuộc dựng nước của các Vua Hùng… được kể lại và lan tỏa. Đây là cách làm hiệu quả để giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn, tự hào dân tộc và trách nhiệm tiếp nối di sản văn hóa cha ông.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, không phân biệt vùng miền, tầng lớp hay dân tộc. Qua bao thế hệ, ngày lễ này không chỉ góp phần giáo dục lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết mà còn khẳng định bản sắc văn hóa bền vững của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và hội nhập.

Lễ hội đền Đô – vang vọng hào khí dân tộc
Diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Đền Đô (Đền Lý Bát Đế), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Lễ hội Đền Đô là một trong những lễ hội lớn mang đậm giá trị lịch sử, tâm linh và văn hóa truyền thống. Đây là dịp nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao của 8 vị Vua triều Lý – triều đại đã đặt nền móng cho một nhà nước phong kiến độc lập, hưng thịnh và khai sinh Thăng Long – Hà Nội.
Lễ hội gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ diễn ra trang nghiêm, trọng thể với nghi thức tế lễ cổ truyền như lễ Túc Yết, lễ rước Thánh Mẫu Phạm Thị – thân mẫu Lý Thái Tổ, từ Đền Đô qua các di tích tâm linh trong vùng như đình làng, chùa Kim Đài, chùa Cổ Pháp để tưởng niệm và tri ân công đức tiền nhân.
Đặc biệt, lễ rước Lý Bát Đế từ chùa Cổ Pháp về Đền Đô sáng ngày 15/3 âm lịch với đoàn rước hoành tráng, hàng nghìn người tham dự, cờ lọng rợp trời, tiếng trống vang rền thể hiện khí thế hào hùng của Thăng Long xưa.
Cùng với phần Lễ là phần Hội tưng bừng, phong phú với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như hát quan họ, thi đấu vật, chơi tổ tôm, cờ tướng, thi thổi cơm niêu, gói bánh phu thê, thả chim bồ câu, đập bóng nước… Không khí lễ hội sôi động mà vẫn đậm chất quê hương, gần gũi và gắn bó cộng đồng.
Khi tham gia lễ hội Đền Đô, du khách không chỉ được tham gia các hoạt động tâm linh mà còn có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc, đặc biệt là triều đại Lý. Khu trưng bày hiện vật thời Lý tại Đền Đô là một điểm nhấn đặc biệt giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử của triều đại này. Đền Đô, còn gọi là Cổ Pháp Điện hay Đền Lý Bát Đế, nằm tại xóm Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là một di tích lịch sử quan trọng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc thành cổ cung điện. Đền được khởi dựng từ thời Lý, do vua Lý Công Uẩn chọn làm nơi xây dựng thái miếu ở phủ Thiên Đức (nay là Cổ Pháp Điện ở Đình Bảng). Các vua nhà Lý sau này đều được an táng và thờ cúng tại đây, vì vậy nơi đây được gọi là Đền Lý Bát Đế.
Lễ hội Đền Đô không chỉ là dịp để người dân tri ân các bậc tiền nhân, mà còn là biểu tượng sống động của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hơn cả một sự kiện văn hóa, đây là nơi kết nối thế hệ hôm nay với dòng chảy lịch sử dân tộc, nhắc nhở mỗi người con đất Việt về cội nguồn vinh hiển, hun đúc lòng tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Chính bởi những giá trị đó, lễ hội Đền Đô đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Đình Bảng và cả vùng Kinh Bắc suốt bao đời nay.

Lễ hội Phủ Dầy – tìm lại nguồn cội, gắn kết với những giá trị văn hóa truyền thống
Lễ hội Phủ Dầy, diễn ra hàng năm vào tháng 3 âm lịch tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là một trong những lễ hội truyền thống lớn của Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh và tín ngưỡng thờ Mẫu. Được tổ chức để tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong bốn vị Thánh bất tử của dân tộc, lễ hội không chỉ là dịp để tri ân những người có công với đất nước mà còn là hành trình hướng về cội nguồn, tìm lại giá trị thiêng liêng của truyền thống.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi là biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sản, và bao dung trong cuộc sống, thể hiện rõ nét qua tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Hình ảnh người mẹ trong lễ hội này cũng phản ánh tư duy của nông dân trồng lúa nước, đề cao sự hòa hợp với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống, những yếu tố không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội Phủ Dầy diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút hàng ngàn du khách từ khắp nơi tham gia. Một trong những nghi thức quan trọng trong lễ hội là Nghi Thức Rước Mẫu Thỉnh Kinh vào ngày 5 – 6 tháng 3 âm lịch, là dịp để người dân tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Đám rước này không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân gian qua các hoạt động như Rước Hoa Đăng, Hội Kéo Chữ và đánh cờ người, tạo nên một không khí lễ hội sôi động và đầy màu sắc.
Ngoài ra, nghi lễ hầu đồng là một phần không thể thiếu trong lễ hội, với việc hát Chầu Văn – một hình thức trình diễn âm nhạc dân gian, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu. Chầu Văn không chỉ là âm nhạc, mà còn là một phương thức kết nối giữa con người và thần linh, là phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Chính vì vậy, lễ hội Phủ Dầy đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đánh dấu giá trị đặc biệt của lễ hội này đối với di sản văn hóa thế giới.
Không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, lễ hội Phủ Dầy còn là dịp để các thế hệ người Việt tìm lại nguồn cội, gắn kết với những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, lễ hội Phủ Dầy còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp của quần thể kiến trúc nghệ thuật truyền thống với các đền, miếu thờ Thánh Mẫu, mang đậm bản sắc của văn hóa dân gian Việt Nam.
Lễ hội Phủ Dầy không chỉ là dịp để tham gia các nghi thức linh thiêng mà còn là cơ hội để du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp truyền thống, tìm hiểu về một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nơi mà tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, lễ hội Phủ Dầy ngày càng trở thành một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đến với lễ hội Phủ Dầy, du khách vừa tìm về với cội nguồn văn hóa, vừa là dịp để trải nghiệm không gian linh thiêng, tôn vinh những giá trị tinh thần sâu sắc và cảm nhận sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian Việt Nam.
Tháng 3 âm lịch là dịp để mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, không quên hướng về cội nguồn và ghi nhớ công lao của những người đã xây dựng nền tảng văn hóa cho dân tộc. Các lễ hội này không chỉ là dịp để thể hiện lòng thành kính, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc, từ đó gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu ấy trong đời sống hiện đại.
Hãy cùng Nét Việt Nam khám phá, tham gia các lễ hội tháng 3 âm lịch tại các địa phương trên khắp đất nước để trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc, tiếp tục gìn giữ tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt. Bạn còn biết tháng 3 âm lịch có lễ hội hay ngày lễ nào nữa không, chia sẻ với Nét Việt Nam nhé!